Đỗ Đức Trọng (28 tuổi),ànhcôngnhờnhữngtrảinghiệmnôngnghiệpởkinh cửu quê ở tỉnh Vĩnh Long, hiện làm việc tại Công ty Schroll Flowers (Đan Mạch), từng có thời gian sống tại thành phố Kiryat Malakhi (Israel), cách Jerusalem khoảng 60 km.
Vốn mê trồng trọt và yêu thích hoa kiểng, sau khi hoàn thành chương trình đại học tại VN, Trọng đăng ký tu nghiệp ở Israel. Theo anh, dù thời tiết tại quốc gia này khá khắc nghiệt, nhưng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp rất tiên tiến, thuộc tốp đầu những nước phát triển nhất trên thế giới. Do vậy, Trọng xem đây là cơ hội tốt để học hỏi những thành tựu khoa học kỹ thuật và trau dồi vốn tiếng Anh.
Trong thời gian làm việc tại Israel, Trọng rất ấn tượng với cách người dân nơi này làm nông nghiệp công nghệ cao. "Họ làm hệ thống tưới nhỏ giọt và kết hợp châm phân bón vào nhà màng, nhà lưới, góp phần nâng cao năng suất rau quả. Ngoài ra, nông dân Israel còn có cách nhân giống các loại hoa bằng cách giâm cành chồi ngọn để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian sinh trưởng…", chàng trai quê miền Tây kể.
11 tháng trôi qua, khi trở về VN, Trọng đã đem những bài học quý tại Israel áp dụng vào thực tiễn. Gần cuối năm 2020, anh tìm một mảnh đất tại TP.Cần Thơ để trồng hoa, làm nơi tham quan, chụp ảnh cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận.
Trọng tìm được bãi đất khá rộng, nhiều lau sậy ở Q.Cái Răng. Tuy nhiên, khó khăn nảy sinh là đất cát dễ làm cây sinh bệnh nghèo dinh dưỡng, vừa khó quản lý nước khi tưới. Nhờ những kinh nghiệm trong thời gian tu nghiệp tại Israel, anh tìm cách cải tạo, lên luống, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa để cây phát triển tốt. Đặc biệt, Trọng còn trồng được hoa tam giác mạch vốn chỉ chịu khí hậu lạnh ở miền núi cao.
Từ miếng đất hoang, chỉ trong vòng 3 tháng, Đỗ Đức Trọng đã biến thành vườn hoa đủ loại sặc sỡ, rộng 4.000 m2 làm nơi chụp ảnh cho khách tham quan, thu hút hàng ngàn người check-in vào dịp Tết Nguyên đán 2021.
Huỳnh Thanh Dư (28 tuổi), làm việc tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, cũng từng sang Israel vào tháng 8.2018 và có khoảng 1 năm thực tập trong một nông trại chuối xuất khẩu ở thung lũng Arava, phía nam Israel. Khu vực này 70% diện tích là sa mạc, nhưng người dân nơi đây đã biến "sỏi đá thành vàng mười", nhờ 95% áp dụng khoa học - kỹ thuật, chỉ 5% là sức lao động.
Thanh Dư nhận thấy nông dân Israel không chỉ giỏi canh tác mà còn là những người kinh doanh tài ba. Họ tích cực, chủ động tham gia vào thị trường đầu ra, hợp tác với những đối tác phụ trợ (cây giống, hệ thống tưới, quản lý dịch hại, tư vấn - đào tạo, công nghệ đóng gói - chế biến...).
Sau thời gian tu nghiệp, trở về nước Huỳnh Thanh Dư và vợ đã khởi nghiệp với nông trại bền vững rộng 6.000 m2 ở tỉnh Đồng Tháp.
Dư nói bản thân đã học hỏi được khá nhiều về mô hình moshav (làng nông nghiệp) và kibbutz (hợp tác xã), là những điển hình về sự hợp tác cùng phát triển ở Israel. Làm việc theo một hệ sinh thái chứ không đơn độc, đó là bài học lớn cho kế hoạch hiện tại của chàng trai này.
"Cho đến bây giờ chưa có nhiều thành công đáng kể, nhưng tư duy và bài học có được trong chuyến đi Israel đã hỗ trợ rất lớn cho mình trên con đường phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp", Thanh Dư chia sẻ.